DE

Đầu tư nước ngoài
Việt Nam: Mở khóa cơ hội, đón thêm “đại bàng” từ Mỹ

Vietnam: Unlocking More Opportunities to Attract U.S. Investment
© Pexels (Quang Nguyen Vinh)

Tháng 3/2023, khi đoàn doanh nghiệp Mỹ lớn nhất từ trước đến nay đến thăm Việt Nam, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN Ted Osius đã nói rằng: “Chưa bao giờ chúng tôi bận như bây giờ. Chúng tôi đã thấy nhu cầu lớn của các nhà đầu tư”. Nhiều năm qua, doanh nghiệp Mỹ có xu hướng đầu tư tích cực vào Việt Nam, với sự gia tăng ổn định về số dự án và vốn đăng ký. Trong 6 tháng đầu năm 2023, nhà đầu tư Mỹ đóng góp hơn 405 triệu USD, đứng vị trí thứ 8 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Xu hướng đầu tư tích cực

Những doanh nghiệp kể trên đến Việt Nam vì nhiều lý do. Thứ nhất, đó là nền kinh tế mở và định hướng kinh tế thị trường của Việt Nam có những điểm tương đồng với thị trường Mỹ.

Thứ hai, tại quốc gia Đông Nam Á này, sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu ngày càng tăng nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Từ đó, dẫn đến chi tiêu của người tiêu dùng tăng lên và tiềm năng thị trường trong tương lai được củng cố.

Thứ ba, Việt Nam sở hữu lực lượng lao động trẻ và có trình độ học vấn. Lực lượng này đã và đang góp phần tạo nên sức hấp dẫn của đất nước như một điểm đến đầu tư cho các công ty Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất.

Thứ tư, các chính sách đầu tư thuận lợi và các yếu tố thể chế được cải thiện cũng góp phần tạo nên sức hấp dẫn đầu tư của đất nước.

Thứ năm, vị trí chiến lược của Việt Nam, cơ sở hạ tầng phát triển cũng mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Mỹ đang tìm cách mở rộng đồng thời đa dạng hóa ra khỏi Trung Quốc và mở ra những triển vọng tăng trưởng mới. Việt Nam nằm ở trung tâm của khu vực Đông Nam Á, có thể đóng vai trò là đầu cầu cho các công ty Mỹ tại ASEAN.

Thứ sáu, quan trọng nhất, Hiệp định thương mại Việt Nam - Mỹ (BTA) đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm bớt các rào cản thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác kinh tế. Đồng thời, tăng sức hấp dẫn của Việt Nam với tư cách là đối tác đầu tư ưu tiên đối với các công ty Mỹ.

Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và là nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2050. Theo Nghị quyết 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam trung bình hàng năm sẽ đạt khoảng 7% trong giai đoạn. Đó cũng là một phần để các nhà đầu tư Mỹ có cái nhìn tích cực vào thị trường này.

Chưa xứng với tiềm năng

Dù có xu hướng đầu tư tích cực nhưng không thể phủ nhận, dòng vốn FDI từ Mỹ vào Việt Nam còn tương đối hạn chế, chưa xứng với tiềm năng. Việt Nam có thể thay đổi tình hình này bằng một số cách.

Đơn cử như đa dạng hóa nền kinh tế ngoài sản xuất và thu hút FDI vào các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI) hoặc sản xuất bồi đắp (Additive Manufacturing) như in 3D. Điều này đặc biệt quan trọng để Việt Nam không bị mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình.

Tập trung vào việc chuyển đổi sang thị trường tiêu dùng cho các công ty Mỹ, tận dụng lợi thế của tầng lớp trung lưu đang phát triển và mức tiêu thụ ngày càng tăng của tầng lớp này. Một thị trường có khoảng 100 triệu người tiêu dùng tiềm năng như thế này xứng đáng được chú trọng.

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy quan hệ đối tác công nghệ và hợp tác chiến lược giữa các công ty hai nước để tạo điều kiện cho chuyển giao kiến thức và thúc đẩy đổi mới. Điểm này đặc biệt quan trọng vì Mỹ là nước dẫn đầu thế giới về công nghệ trong nhiều lĩnh vực. Do đó, lực lượng lao động của Việt Nam có thể học hỏi được nhiều điều từ các đối tác Mỹ.

Song song, Việt Nam nên phát triển các chương trình mục tiêu và các sáng kiến đào tạo để nâng cao các kỹ năng mà các nhà đầu tư Mỹ đang tìm kiếm. Điều quan trọng là tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông vận tải, hậu cần, năng lượng và kết nối kỹ thuật số.

Ngoài ra, sự cải thiện đều đặn của môi trường kinh doanh bằng cách tăng cường tính minh bạch của dữ liệu, tinh giản thủ tục hành chính và giảm tình trạng quan liêu sẽ làm tăng niềm tin của nhà đầu tư Mỹ cũng như củng cố Việt Nam như một điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn. Đất nước Đông Nam Á cũng cần đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, marketing để trở thành điểm đến đầu tư hàng đầu trên thế giới.

Để đón thêm nhiều “đại bàng” hơn

Thời gian qua, không chỉ Việt Nam mà các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia... cũng đón làn sóng FDI tích cực từ Mỹ. Vì vậy, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thu hút FDI cũng là vấn đề mà Việt Nam cần hướng tới.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, Việt Nam có thể xây dựng uy tín với tư cách là một đối tác thương mại lâu dài bằng cách thể hiện cam kết đối với thương mại tự do và nền kinh tế thị trường. Mặt khác, đất nước cần đầu tư vào giáo dục để phát triển lực lượng lao động có kỹ năng và khả năng thích ứng, đặc biệt là bằng cách cung cấp các chương trình đào tạo và quan hệ đối tác trong các lĩnh vực mà Mỹ quan tâm.

Không chỉ thế, việc củng cố các hiệp định thương mại và đầu tư hiện có cũng là một nền tảng quan trọng khác để khẳng định vị thế của Việt Nam.

Ngoài ra, cần cung cấp các ưu đãi về thuế cho đầu tư vào các ngành công nghiệp trong tương lai, đặc biệt là những ngành phù hợp với lợi ích của Mỹ. Hành động này sẽ có thể khuyến khích các công ty Mỹ mở rộng đầu tư, rót vốn vào Việt Nam.

Một yếu tố khác giúp Việt Nam cạnh tranh với các quốc gia khác là sự cải thiện về tính minh bạch, quản lý rủi ro trên thị trường tài chính và phải có sự chắc chắn về mặt pháp lý trong lĩnh vực thương mại và đầu tư.

Ngoài ra, việc tích cực xúc tiến đầu tư của Việt Nam sang các nước khác thông qua các tổ chức đặc biệt và đối thoại thường xuyên sẽ tăng khả năng tính hiện hữu và thu hút thêm dòng vốn FDI.

Đối với các địa phương, ở cấp thành phố, điều quan trọng là phải tăng cường tính minh bạch và cung cấp thêm thông tin từ phía các địa phương. Điều này sẽ làm tăng niềm tin của các nhà đầu tư tiềm năng, nâng cao khả năng hoạch định và khai thác hợp lực.

Một lợi thế lớn của thị trường Việt Nam là sự cạnh tranh hiện có giữa các tỉnh và thành phố riêng lẻ, được thể hiện trong chỉ số Nâng cao năng lực cạnh tranh giữa các tỉnh (PCI). Do đó, các nhà đầu tư từ nước ngoài có thể sử dụng sự cạnh tranh này để xác định tỉnh có điều kiện tốt nhất cho lĩnh vực đầu tư cụ thể.

Đối với các doanh nghiệp, điều cần thiết là phải chủ động và cởi mở với các mối quan hệ đối tác trong tương lai và tận dụng các cơ hội được chia sẻ để tạo ra sức mạnh tổng hợp.

Các nhà đầu tư Mỹ có thể hưởng lợi từ kinh nghiệm các doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh tại các địa phương. Ngược lại, doanh nghiệp Việt sẽ được hưởng lợi từ việc chuyển giao kiến thức từ các nhà đầu tư Mỹ. Trong bối cảnh này, điều cần thiết là bảo vệ quyền tự do hợp đồng và quyết định của từng công ty tương ứng để đảm bảo sự hợp tác song phương không bị hạn chế và ép buộc theo cách tốt nhất có thể.

Có thể khẳng định, cơ hội đón thêm những “đại bàng” từ Mỹ không phải là không có. Đoàn 52 doanh nghiệp Mỹ đến thăm và tìm hiểu thị trường Việt Nam hồi tháng 3/2023 là một trong những minh chứng rõ nét.

Thời điểm đó, ông Ted Osius chia sẻ rằng: “Đại diện của các nước ASEAN khác nói rằng, họ phải nhanh lên để cạnh tranh với Việt Nam. Giờ đây, doanh nghiệp đang nhìn vào Việt Nam như một điểm đến cho sự phát triển và cơ hội”. Vì vậy, Việt Nam cần tận dụng triệt để cơ hội này để đón thêm những “đại bàng” từ Mỹ.

GS.TS.Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia Viện Friedrich Naumann (FNF) Việt Nam và Bugra Kilinc, Nghiên cứu viên Viện FNF Việt Nam.

(Bài viết được đăng tải lần đầu tại ấn phẩm "Việt Nam và Thế Giới" (The World and Vietnam Report) nhân dịp kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ), xuất bản Tháng 7/2023).