DE

Thương mại Tự do
Chính sách thuế quan của Trump: Mối đe dọa tới nền kinh tế Việt Nam

How Trump's Tariff  Threatens Vietnam’s Economy
© Image generated by ChatGPT

Các mức thuế đối ứng do Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ban hành đã làm rung chuyển không chỉ các thị trường toàn cầu mà cả sân khấu chính trị thế giới, với việc áp đặt đơn phương và toàn diện mức thuế quan “gây sốc”, được thiết kế như một đòn bẩy ban đầu nhằm tạo sức ép đàm phán. Mức thuế cơ bản 10% hiện được áp dụng đến tháng 7 (tạm hoãn 90 ngày) đối với hầu hết các quốc gia không thực hiện hành động trả đũa, ngoại trừ Trung Quốc. Do đã có các biện pháp phản ứng mạnh mẽ, hàng hóa Trung Quốc (tính đến cuối tháng 4 năm 2025) phải chịu mức thuế tổng cộng lên đến 145%, bao gồm 125% thuế đối ứng và 20% thuế bổ sung áp từ tháng 2.

Động thái này không chỉ thách thức hệ thống thương mại tự do quốc tế được xây dựng hơn bốn thập kỷ qua, mà còn đẩy các quốc gia vào thế bị động, phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng thương mại toàn cầu. Trung Quốc đã nhanh chóng đưa ra các biện pháp trả đũa mạnh mẽ. Liên minh châu Âu thể hiện sự cứng rắn nhưng vẫn thận trọng, đặc biệt là Đức và Pháp. Các quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và các thành viên ASEAN—bao gồm cả Việt Nam—đã lựa chọn con đường mềm dẻo và ngoại giao hơn, ưu tiên đối thoại nhằm ngăn ngừa căng thẳng leo thang.

Mặc dù sắc lệnh thuế quan của Hoa Kỳ được công bố như một biện pháp nhằm giải quyết thâm hụt thương mại, nhưng rõ ràng chính sách này nhắm đến việc kiềm chế ảnh hưởng kinh tế ngày càng lớn của Trung Quốc, đặc biệt thông qua các chuỗi cung ứng ăn sâu vào các nền kinh tế láng giềng. Việt Nam đã hưởng lợi đáng kể từ việc các nhà sản xuất dịch chuyển khỏi Trung Quốc trong những năm gần đây, nay lại bị cuốn sâu hơn vào chiến lược thương mại đang thay đổi của Hoa Kỳ.

Việt Nam dưới áp lực trực tiếp

Một phần đáng kể trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ có nguồn gốc từ Trung Quốc dưới dạng hàng hóa trung gian và linh kiện. Trên thực tế, giá trị gia tăng nước ngoài (FVA) từ Trung Quốc chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, cao nhất trong số các quốc gia ASEAN. Sự phụ thuộc này tập trung vào các lĩnh vực chủ chốt như điện tử và máy tính, may mặc, giày dép và đồ gỗ, đều là những nhóm hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Hoa Kỳ. Do đó, Việt Nam đang gặp bất lợi lớn trong các cuộc đàm phán thuế quan với Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa trở thành mối quan tâm trung tâm.

Với một nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu, Việt Nam đặc biệt dễ tổn thương trước đợt tăng thuế của Hoa Kỳ. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ chiếm 28,7% GDP của Việt Nam. Là thị trường xuất khẩu lớn nhất, việc áp mức thuế quan dự kiến lên đến 46% khiến hàng hóa Việt Nam gần như không còn khả năng cạnh tranh tại thị trường Mỹ, đặc biệt khi so sánh với các sản phẩm từ Mexico, Ấn Độ hoặc Bangladesh, những nước không bị áp mức thuế cao như vậy.

Việc bị hủy đơn hàng là điều không thể tránh khỏi, kéo theo sự đình trệ sản xuất, mất việc làm và dòng tiền kinh doanh bị gián đoạn. Các ngành then chốt như dệt may, giày dép, gỗ, điện tử và nông sản sẽ chịu tác động nặng nề nhất. Với đặc điểm sản xuất trong nước gắn chặt với xuất khẩu, cú sốc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng GDP và sự ổn định của thị trường lao động Việt Nam.

Ngoài thương mại hàng hóa, Việt Nam còn chịu áp lực trên thị trường tài chính và tiền tệ. Việc sụt giảm dòng ngoại tệ từ xuất khẩu có thể dẫn đến sự mất giá của đồng Việt Nam (VND). Đồng VND yếu hơn sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, thúc đẩy lạm phát chi phí đẩy. Mối đe dọa kép này là rất nghiêm trọng đối với một nền kinh tế vẫn đang phục hồi sau bất ổn toàn cầu kéo dài.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất có lẽ là tác động mang tính cấu trúc: nguy cơ Việt Nam bị tái định vị trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều nhà sản xuất dựa trên đầu tư nước ngoài (FDI) đã chọn Việt Nam làm căn cứ xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Với chính sách thuế quan mới, họ có thể chuyển sản xuất sang các quốc gia có điều kiện thương mại thuận lợi hơn như Ấn Độ, Indonesia hoặc quay lại Mexico, nơi được hưởng lợi từ hiệp định USMCA. Nếu không có sự điều chỉnh kịp thời về cấu trúc, Việt Nam có nguy cơ đánh mất lợi thế chiến lược trở thành lựa chọn thay thế hàng đầu cho Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị.

 

Đối với cộng đồng toàn cầu, đâythời điểm vừaphép thử sức chống chịu vừahồi chuông cảnh tỉnh: tự do thương mại không phảiđiều mặc định, nó cần được bảo vệ, cải cáchtái khẳng định trong bối cảnh một trật tự thế giới mới đang hình thành.

Le Thi Thu Trang - FNF Vietnam
TS. Lê Thị Thu Trang, Quản lý Dự án tại FNF Việt Nam

Phản ứng cần thiết của Việt Nam

Mặc dù mức độ tác động khác nhau giữa các quốc gia, nhưng chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ là một cú sốc mang tính hệ thống đối với thương mại toàn cầu. Hệ quả của nó không chỉ giới hạn ở các mức thuế, mà còn lan rộng đến dòng vốn đầu tư, thị trường tiền tệ và niềm tin vào hệ thống thương mại đa phương.

Việt Nam cần xây dựng một phản ứng toàn diện. Về mặt ngoại giao, Việt Nam nên duy trì các cuộc đàm phán liên tục nhưng linh hoạt với Hoa Kỳ nhằm đạt được miễn trừ hoặc giảm thuế đối với các ngành xuất khẩu chủ chốt. Đồng thời, Việt Nam cần củng cố cam kết đối với các hiệp định thương mại đa phương như CPTPP, EVFTA và RCEP nhằm đa dạng hóa thị trường và giảm sự phụ thuộc vào bất kỳ đối tác đơn lẻ nào. Việc tăng cường phối hợp trong ASEAN và mở rộng hợp tác với các khối mới nổi như BRICS cũng là điều thiết yếu. Là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ trong ASEAN, với kim ngạch hai chiều đạt 155,6 tỷ USD trong năm 2024, Việt Nam đang nắm giữ một vị thế quan trọng. Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam ở mức khoảng 129,4 tỷ USD, cao nhất trong ASEAN và đứng thứ ba toàn cầu. Những con số này vừa thể hiện lợi thế đàm phán của Việt Nam, vừa cho thấy mức độ rủi ro mà nước ta đang đối mặt. Việc thúc đẩy một tiếng nói chung của ASEAN về thương mại có thể góp phần cân bằng các cuộc đàm phán và hỗ trợ ổn định khu vực.

Về mặt đối nội, Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Việt Nam cũng nên đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào và thúc đẩy sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, vượt ra ngoài mô hình lắp ráp đơn thuần. Chính sách tài khóa nên tập trung vào tăng đầu tư công để kích thích nhu cầu nội địa, trong khi chính sách tiền tệ cần duy trì mặt bằng lãi suất thấp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Việc phá giá có kiểm soát đồng VND cũng có thể giúp duy trì khả năng cạnh tranh xuất khẩu trong điều kiện bất lợi.

Ai là người cuối cùng phải trả giá?

Mặc dù được quảng bá là biện pháp nhằm giảm thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ, sắc lệnh thuế quan của Tổng thống Trump rất có thể sẽ phản tác dụng về mặt kinh tế đối với chính nước Mỹ. Người tiêu dùng Mỹ sẽ là những người đầu tiên chịu thiệt hại do giá cả hàng hóa nhập khẩu tăng cao. Trong khi đó, các doanh nghiệp Mỹ, trái với kỳ vọng “hồi hương” sản xuất, sẽ phải đối mặt với chi phí sản xuất cao hơn, thiếu hụt nguyên vật liệu đầu vào và sự gián đoạn nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng.

Về lâu dài, việc giảm nhập khẩu từ thị trường toàn cầu có thể làm xói mòn vai trò thống trị của đồng USD trong các giao dịch quốc tế. Trong một thế giới ngày càng phân cực, sự suy giảm niềm tin vào hệ thống thương mại toàn cầu có thể làm suy yếu vai trò lãnh đạo kinh tế và ảnh hưởng toàn cầu của Hoa Kỳ.

Chính sách thuế đối ứng của Tổng thống Trump không chỉ là một quyết định đơn lẻ, nó phản ánh một xu hướng ngày càng gia tăng của chủ nghĩa đơn phương, bảo hộ mậu dịch và phi toàn cầu hóa. Đối với Việt Nam, đây là thời điểm bước ngoặt để xem xét lại mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và chủ động thích ứng với bối cảnh thương mại đang thay đổi nhanh chóng.

Đối với Hoa Kỳ, chính sách này không thể kéo dài mãi. Một trạng thái cân bằng mới sẽ cần được thiết lập, nhiều khả năng thông qua đàm phán và sự điều chỉnh lại quan niệm của chính quyền Trump về mức thâm hụt thương mại “chấp nhận được”. Nếu mục tiêu là thương mại công bằng, thì tổ chức phù hợp để thực hiện điều đó là WTO, thông qua việc thực thi và cập nhật các quy tắc đã được quốc tế công nhận, chứ không phải bằng những sắc lệnh đơn phương và mang tính áp đặt, làm xói mòn chính hệ thống mà Mỹ từng dẫn đầu xây dựng.

Đối với Trung Quốc, đây là thời khắc then chốt để khẳng định sức mạnh kinh tế và vị thế chính trị - ngoại giao trong bối cảnh trật tự thương mại toàn cầu đang dịch chuyển. Thay vì nhượng bộ trong đàm phán với Hoa Kỳ, Trung Quốc đã phản ứng một cách bình tĩnh nhưng dứt khoát bằng việc áp thuế lên đến 125% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Đồng thời, Trung Quốc cũng đang thể hiện mình là một đối tác chủ động và có trách nhiệm, thúc đẩy ngoại giao và củng cố quan hệ khu vực. Một dấu mốc quan trọng là chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong năm 2025 của Tổng Bí thư Tập Cận Bình đến Việt Nam, sau đó là Campuchia và Malaysia. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại, việc lựa chọn các quốc gia ASEAN làm điểm đến không chỉ vì yếu tố địa lý gần gũi, mà quan trọng hơn, thể hiện chiến lược của Trung Quốc trong việc củng cố mạng lưới kinh tế - chính trị khu vực và đối trọng với chiến lược kiềm chế của Mỹ.

Chuyến thăm này cũng thể hiện nỗ lực của Trung Quốc trong việc tái cấu trúc lại các tuyến thương mại truyền thống thông qua việc thúc đẩy các dự án hạ tầng xuyên biên giới như đường sắt quốc tế và các khu hợp tác kinh tế vùng biên, những dự án cốt lõi của sáng kiến "Vành đai và Con đường" do Trung Quốc dẫn dắt. Riêng với Việt Nam, ngoài mục tiêu kinh tế, Trung Quốc còn xem đây là cơ hội để củng cố mối liên kết về ý thức hệ giữa hai Đảng Cộng sản, một yếu tố mang ý nghĩa chiến lược trong quan hệ song phương lâu dài.

Đối với cộng đồng toàn cầu, đây là thời điểm vừa là phép thử sức chống chịu vừa là hồi chuông cảnh tỉnh: tự do thương mại không phải là điều mặc định, nó cần được bảo vệ, cải cách và tái khẳng định trong bối cảnh một trật tự thế giới mới đang hình thành.

Tác giả bài viết: TS. Lê Thị Thu Trang, Quản lý Dự án tại FNF Việt Nam