DE

Global Minimum Tax
Việt Nam cần đối mặt với thách thức về Thuế tối thiểu toàn cầu (GMT)

Global Minimum Tax article

Cho tới nay, 137 quốc gia đã thống nhất chi tiết về thỏa thuận cải cách thuế sau nhiều năm đàm phán. Những người theo lập trường ủng hộ qui tắc thuế tối thiểu toàn cầu (GMT) nói về điều này như một bước đột phá lịch sử trong cuộc chiến chống trốn thuế. Tuy nhiên những lời chỉ trích vẫn luôn tồn tại. Là đối tác chính thức tham gia GMT, hiện nay Việt Nam đang cố gắng điều chỉnh các quy tắc mới theo cách tốt nhất có thể để tiếp tục thu hút FDI, nguồn vốn đã mang lại lợi ích to lớn cho cả đất nước và người dân. Mà như đã biết, từ lâu nay, một trong những điểm hấp dẫn ở Việt Nam để thu hút FDI cũng chính là thuế doanh nghiệp thấp. 

Về nguyên tắc, Thuế Thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay là 20%, nhưng có nhiều chính sách áp dụng khác nhau, chẳng hạn như giảm một nửa trong 9 năm đầu hoặc đình chỉ hoàn toàn thuế trong 4 năm. Đồng thời, có một áp lực buộc Việt Nam phải thực hiện các quy tắc GMT càng sớm càng tốt, bởi nếu không, khoản “thuế chênh lệch” sắp tới của các công ty đa quốc gia đặt tại Việt Nam sẽ được thu hồi lại về các quốc gia đã thực hiện chúng. Hàn Quốc, một quốc gia đối tác quan trọng của Việt Nam, đã triển khai thực hiện GMT. Có thể thấy, nếu thuế suất theo GMT được áp dụng, thì bất kỳ khoản tiết kiệm thuế nào mà các công ty đa quốc gia đủ điều kiện tại Việt Nam đang được hưởng sẽ bị mất. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ có thể đánh thuế các công ty lớn (bao gồm cả trong mảng công nghệ) mà không lo bị chính phủ các nước phát triển trả đũa. Trong bối cảnh đó, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng cần xây dựng chính sách thuế, phí phù hợp, nhất là xây dựng chính sách thích ứng với GMT và cải thiện môi trường kinh doanh minh bạch để Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các dòng FDI.

Dự án GMT được chia thành hai nhóm đối tượng

Nhóm đối tượng thứ 1

Các công ty đặc biệt lớn và có lãi (doanh thu hàng năm hơn 20 tỷ EUR và tỷ suất lợi nhuận hơn 10%) cũng phải trả nhiều thuế hơn trước đây ở các quốc gia được gọi là thị trường. Điều này chủ yếu nhằm phản ánh sự thích ứng với thời đại kỹ thuật số, vì cho đến nay các tập đoàn chỉ bị đánh thuế tại địa phương nếu họ đặt chi nhánh tại chỗ ở đó. Nhóm đối tượng thứ 1 sẽ được thực hiện GMT thông qua một hiệp ước đa phương theo luật pháp quốc tế (được gọi là "Công cụ đa phương 2.0").

Nhóm đối tượng thứ 2

Các tập đoàn lớn có doanh thu hàng năm ít nhất 750 triệu Euro phải trả GMT ít nhất 15%. Để đưa ra một ví dụ về khái niệm: Nếu một công ty Đức chỉ trả 10% thuế ở nước ngoài, thì Đức được phép thu thêm 5% thuế từ số lợi nhuận này - theo cách này, các quốc gia không cam kết thực hiện GMT sẽ buộc phải tăng thuế lên tương đương mức đó. Đối với Việt Nam với tư cách là một quốc gia có mức thuế nhìn chung thấp hơn, viễn cảnh sẽ khác. Mặc dù số lượng các nhà đầu tư lớn như trên chiếm tỷ lệ nhỏ so với số lượng doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, nhưng ngoài việc giúp tăng ngân sách nhà nước, đầu tư của các công ty này cũng góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.

Tại thời điểm này, theo tôi cần cân nhắc những điều sau: Cách trốn thuế phổ biến nhất của các tập đoàn là thông qua các công ty con ở các quốc gia “thiên đường thuế”, nơi thu phí đăng ký giấy phép cao. Nếu một công ty là chỉ dựa trên một ốc đảo như vậy và phân phối lợi nhuận của mình ở đó, quy tắc đánh thuế sẽ không còn được áp dụng qua các quốc gia khác. Do đó, các khoản thanh tiền đăng ký công ty này có thể không còn được khấu trừ hoàn toàn dưới dạng chi phí hoạt động ở nước sở tại nếu chúng chuyển đến một công ty có trụ sở tại "thiên đường thuế" (giả sử các quốc gia không phải là đối tác của thỏa thuận). Hơn nữa, phân khúc sẽ được sử dụng ngày càng nhiều để tránh lách các quy tắc mới.

GMT ở một nước công nghiệp phát triển như Đức và cách thực hiện tại Việt Nam

Ở Đức, dự án GMT thường được nhìn nhận một cách tích cực. Người ta hy vọng rằng một loại thuế như vậy sẽ giúp chống lại các thiên đường thuế và né tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia. Hầu hết các chính trị gia Đức đều ủng hộ dự án này, vì nó có thể giúp các tập đoàn đa quốc gia trả phần thuế hợp lý của họ và do đó mang lại nhiều tiền hơn cho kho bạc công. Tuy nhiên, cũng có những nhà phê bình lo ngại rằng GMT có thể có tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Dù sao đi nữa, kể cả một loại thuế toàn cầu như vậy cũng sẽ không làm thay đổi nhu cầu đối với các quốc gia như Việt Nam trong việc quản lý thuế một cách có trách nhiệm. Tiến sĩ Florian Tonkar, nghị sĩ của đảng FDP cầm quyền của Đức, ví dụ về vấn đề này: “Mức thuế tối thiểu toàn cầu sẽ không thay đổi được thực tế là thuế doanh nghiệp ở Đức quá cao, quá phức tạp và cần phải được cải cách khẩn cấp. Điều này có tầm quan trọng rất lớn đối với khả năng tồn tại của nền kinh tế Đức trong tương lai."

Tại Việt Nam, Chính phủ đã thấy rõ nhu cầu cấp thiết phải hành động và bắt đầu các bước nghiên cứu chi tiết về qui tắc thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2022. Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) đã thành lập một nhóm công tác gồm các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để tham vấn với Chính phủ. Tất cả những kết quả nghiên cứu cần phải được đúc kết thành luật và cần tính đến lợi ích của tất cả các bên liên quan, tất nhiên bao gồm cả các nhà đầu tư nước ngoài.

Có một thực tế là nếu Việt Nam triển khai GMT quá chậm thì có thể dẫn đến những bất lợi nghiêm trọng cho đất nước. Một mặt, Việt Nam sẽ không nhận được mức chênh lệch thuế 8% từ hơn 100 công ty FDI đủ điều kiện áp dụng mức thuế này. Số tiền này tương đương với vài tỷ đô la Mỹ hàng năm cho ngân sách quốc gia của Việt Nam. Mặt khác, môi trường đầu tư tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng do các nhà đầu tư sẽ chuyển hướng đầu tư sang các quốc gia khác có cơ chế chia sẻ lợi ích liên quan đến quy định thuế mới này.

GMT: Con đường phía trước

Điều quan trọng đối với Việt Nam là trao đổi ý tưởng và bài học thành công với các quốc gia khác. Điều quan trọng là không chỉ xem xét các cách tiếp cận và kinh nghiệm của các quốc gia công nghiệp hóa phương Tây, mà còn của các nền kinh tế mới nổi khác trong khu vực ASEAN. Trong bối cảnh đó, cũng cần xem xét vai trò của cơ chế khuyến khích, vốn có vai trò định hướng và thu hút đầu tư không nhỏ. Đặc biệt, ở đây, các điều kiện cơ bản ở một nước công nghiệp hóa như Đức, với cơ sở hạ tầng phát triển vượt trội, khác với ở Việt Nam, nơi có các điều kiện đa dạng. Chẳng hạn như cơ sở hạ tầng trước tiên phải được phát triển và đào tạo tốt nguồn nhân lực. Các ưu đãi tài chính được tạo ra ngoài thuế suất thuần túy sau đó sẽ khác nhau một cách tự nhiên, ở Đức và các nước khác cũng như ở Việt Nam.

GMT là một thách thức rất lớn nhưng cũng mang đến cơ hội mới cho Việt Nam. Trốn thuế, chuyển giá từng là vấn đề nhức nhối trong quá khứ. Bây giờ những điều này phải được giải quyết trong bối cảnh thảo luận về việc thực hiện pháp lý các cơ chế cho loại thuế toàn cầu này. Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục là một điểm đến hấp dẫn mang lại nhiều lợi thế cho các nhà đầu tư, bao gồm hội nhập mạnh mẽ vào chuỗi giá trị toàn cầu, cam kết rõ ràng về tự do thương mại và bảo hộ đầu tư, một thị trường rộng lớn với 100 triệu người tiêu dùng và tầng lớp trung lưu giàu có ngày càng tăng. Tuy nhiên, bên cạnh cải cách thuế liên quan đến GMT, các vấn đề khác của đất nước cũng cần được giải quyết mạnh mẽ, bao gồm vấn đề tuân thủ, cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính, năng suất lao động, giáo dục và kỹ năng. GMT là một thực tế cần phải đối mặt. Điều quan trọng hiện nay đối với Việt Nam là sử dụng công cụ chính sách thuế này một cách thuần thục.

Tóm lại, tôi nghĩ Việt Nam cần nắm bắt cơ hội quan trọng này để xem xét lại việc sử dụng các ưu đãi thuế và cải thiện khung chính sách đầu tư để tiếp tục là điểm đến hấp dẫn trong dài hạn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp đa quốc gia.

 

*GS. TS. Andreas Stoffers là Giám đốc Quốc gia của Viện Friedrich Naumann tại Việt Nam.