DE

Economic Freedom
FNF – FRASER – VEPR tổ chức Hội thảo thúc đẩy tự do kinh doanh, nâng cao hiệu quả thị trường

Economic freedom event in Vietnam
© FNF Vietnam

Ngày 6/12/2022, tại Hà Nội, tổ chức Friedrich Naumann Foundation for Freedom (FNF) và Fraser Institute (Canada) - một tổ chức ủng hộ thị trường tự do, phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã tổ chức hội thảo “Thúc đẩy tự do kinh doanh và nâng cao hiệu quả thị trường”. Sự kiện được tổ chức nhằm đánh giá lại các thách thức toàn cầu và khu vực châu Á nói chung cũng như các cải cách thể chế của Việt Nam nói riêng đối với quyền tự do kinh doanh.

Tự do kinh doanh đóng vai trò vô cùng quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia. Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn như hiện nay, thúc đẩy tự do kinh doanh và nâng cao hiệu quả thị trường tại Việt Nam là rất cần thiết. Đây cũng là quan điểm chung của rất nhiều các chuyên gia kinh tế đã có mặt và đóng góp ý kiến cho hội thảo.

Về bối cảnh thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam, qua 8 năm nỗ lực cải cách hưởng tới thị trường tự do và cải thiện môi trường kinh doanh, vị trí của Việt Nam đã có sự thay đổi vượt bậc, từ thứ 78 (năm 2014) lên vị trí 6 (năm 2019). Bên cạnh đó, chỉ số tự do kinh tế của Việt Nam năm 2022 cũng tăng 6 bậc từ vị trí 84 từ vị trí 90 trên các bảng xếp hạng uy tín toàn cầu.

Khai mạc sự kiện, PGS. TS Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, từ năm 2014, chính phủ Việt Nam đã xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới phát triển bền vững là một trọng tâm cải cách quan trọng, thường xuyên.

Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại khi các bất ổn toàn cầu kèm theo nguy cơ suy thoái kinh tế hiện hữu thì sự phục hồi tăng trưởng và hiệu quả thị trường của Việt Nam cũng gặp thách thức nghiêm trọng. Cũng tại sự kiện, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá, việc làm ăn của doanh nghiệp ngày càng khó khăn, thậm chí khó hơn cả giai đoạn khủng hoảng 10 năm trước. Theo phân tích của ông, các khó khăn này đến từ các yếu tố bên trong lẫn bên ngoài như nhu cầu thị trường thế giới giảm sút, giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào tăng; việc tiếp cận vốn qua các kênh gặp nhiều hạn chế; giải ngân đầu tư công chậm... Bên cạnh đó, theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định và thực thi pháp luật đang có chiều hướng giảm dần mức độ thuận lợi, tăng mức độ khó khăn phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Thực tế này có thể làm xói mòn thành quả cải cách đã xây dựng được trong nhiều năm qua. Từ năm 2020 đến nay, do tác động của đại dịch Covid-19 nên tiến trình cải thiện môi trường kinh doanh đang bị chững lại, thiếu vắng những cải cách đột phá để tạo luồng sinh khí mới cho phát triển. Bên cạnh đó, sự lúng túng trong xử lý các tình huống, biến động bất thường như điều hành giá bán lẻ xăng dầu, trái phiếu doanh nghiệp xảy ra gần đây đã bộc lộ những hạn chế trong công tác quản lý nhà nước. Hiện nay, doanh nghiệp có xu hướng phải giảm quy mô sản xuất, kinh doanh để cầm cự, hy vọng vượt qua thời điểm khó khăn này.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, đây là thời điểm Nhà nước cần tập trung 3 định hướng lớn, đó là:

  • Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô bằng các giải pháp phù hợp, thúc đẩy tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội;
  • Cải cách thể chế đủ mạnh và nhất quán theo hướng thị trường đúng với vai trò là đột phá chiến lược. Trong đó, cần thực hiện ngay những giải pháp khôi phục niềm tin thị trường, niềm tin của nhà đầu tư; hóa giải nỗi sợ không dám làm của đội ngũ cán bộ công chức để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp;
  • Hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng thông qua các Hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương...

Bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cũng chia sẻ, dường như mức độ can thiệp của Nhà nước vào thị trường có dấu hiệu tăng lên trong những năm gần đây. Điều này cho thấy yêu cầu cần thiết là giảm sự can thiệp của Nhà nước để tạo sự chủ động tốt hơn cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.

Từ góc nhìn của chuyên gia quốc tế, ông Fred Mcmahon - Chủ trì nghiên cứu về tự do kinh tế tại Viện Fraser nhận xét, việc cải thiện thể chế, thúc đẩy tự do kinh doanh là yêu cầu tất yếu của Việt Nam hiện nay. Muốn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng GDP nhanh hơn, bền vững hơn, không còn cách nào khác là Việt Nam cần phải tập trung cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh. Để làm được như vậy, thúc đẩy tự do kinh doanh là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đưa ý kiến đề xuất cho doanh nghiệp và các cơ quan quản lý: “Để nâng cao năng suất lao động, trước hết chính doanh nghiệp cần phải tự lực, nâng cao chất lượng quản trị, nhân sự, ứng dụng công nghệ, phát huy tối đa quyền tự chủ kinh doanh mà các cải cách thể chế đã mang lại. Cùng với đó mạnh dạn hội nhập, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu để có cơ hội bứt phá và từ đó nâng cao năng suất lao động. Về phía cơ quan quản lý cần tiếp tục rà soát, đẩy mạnh những giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh một cách thực chất, hiệu quả, qua đó giảm rủi ro và chi phí cho doanh nghiệp.”