DE

"Ngôi nhà bình yên - Nơi trú ẩn sau giông bão"

Ghi chép sau chuyến thăm của Viện FNF Việt Nam tới "Ngôi nhà bình yên", một dự án giàu ý nghĩa của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển
Peace House Shelter - FNF Vietnam

Báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) phối hợp với Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên hợp quốc UNFPA cho thấy cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 người (gần 63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời và gần 32% phụ nữ bị bạo lực trong 12 tháng qua.

Được giới thiệu bởi đối tác lâu năm của Viện là Trung tâm Nghiên cứu Hỗ trợ Gia đình và Phát triển Cộng đồng (CFSCD), chúng tôi đến với Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (CWD) của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam nằm trên con đường Thuỵ Khuê vào một ngày chiều nóng, với cảm xúc đan xen. Được dặn trước về việc những phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình và buôn bán người được hỗ trợ tại đây có sự ngại ngần khi tiếp xúc với đông người, chúng tôi thực hiện chuyến thăm với một nhóm nhỏ gồm 5 người, đại diện cho Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom (FNF) Việt Nam, mong đợi được lắng nghe những sẻ chia và suy nghĩ của người trong cuộc.

“Ngôi nhà bình yên” - dự án thành lập từ năm 2007

Đầu tiên, chúng tôi tới thăm phòng Tham vấn đặt tại trụ sở Trung tâm Phụ nữ và Phát triển. Đây là nơi đầu tiên tiếp nhận những người có nhu cầu hỗ trợ, sàng lọc thông tin, hướng dẫn họ các thủ tục cần thiết, tư vấn thông tin về quyền phụ nữ, cung cấp các trợ giúp ban đầu. Đây cũng là một địa điểm an toàn và được giám sát để những phụ nữ nạn nhân của bạo lực gia đình gặp và trao đổi trực tiếp với chồng, người gây ra bạo lực, để giải quyết các vấn đề gia đình.

Sau đó, chúng tôi lên xe tới “Ngôi nhà bình yên” tại một địa chỉ được bảo mật tại Hà Nội. Được thành lập từ năm 2007 tới nay, dự án này gồm 3 cơ sở tại Việt Nam, 2 tại Hà Nội và 1 tại Cần Thơ, thành phố có số nạn nhân bạo lực gia đình ở mức cao trong cả nước. Mặc dù được cấp một phần từ ngân sách chính phủ, dự án vẫn phải đang tự vận hành để có ngân sách cho các hoạt động với số lượng phụ nữ cần hỗ trợ không ngừng tăng.

Chắc ít ai ngờ rằng với cái tên có phần thơ mộng là “Ngôi nhà Bình yên”, những địa điểm này lại chính là hiện thực của nạn bạo lực gia đình và buôn bán phụ nữ, nơi chứng kiến số phận 1400 nạn nhân (hay còn gọi là những người tạm trú) đã được giúp đỡ bởi Trung tâm về nơi ăn chốn ở, tư vấn, hỗ trợ tinh thần và dạy nghề.

Chúng tôi bước vào nhà, trong lòng thấy sự an ủi vỗ về đến từ một mái ấm thật sự. Bên cạnh việc cho những phụ nữ có nhu cầu một chỗ trú chân, “Ngôi nhà bình yên” cũng là nơi lánh nạn cho những đứa trẻ, con cái cần chăm sóc của những phụ nữ ở đây. Ở phòng khách, một tốp tầm 9-10 em nhỏ đang ngồi ghế xofa, tô màu, trò chuyện rôm rả. Phía sau những nụ cười an yên đấy là những câu chuyện, những giọt nước mắt của người mẹ các em, khi đã phải chịu nhiều ngược đãi trong cuộc sống.

Chúng tôi lên tầng 2, gặp quản gia nhà và những nhân viên xã hội ngày đêm túc trực để coi sóc, tư vấn cho nạn nhân để hiểu thêm về câu chuyện của họ. Những câu chuyện phía sau gay cấn và gây rúng động tới mức chúng tôi nói chuyện quên thời gian. Một trong những câu chuyện khiến chúng tôi ám ảnh nhất là chuyện về một phụ nữ trẻ đã được Trung tâm nhận hỗ trợ từ Bệnh viện Bỏng Quốc gia với mức độ bỏng 70% cơ thể, gây ra do bạo lực gia đình.

Những người chồng muốn dùng bạo lực để vợ trở về nhà

Một mặt khác, những người phụ nữ bị bạo hành tìm được tới đây đã chứng minh được sự mạnh mẽ của họ so với những người cùng cảnh ngộ. Trong sự ngược đãi, họ đã biết đấu tranh cho bản thân mình và vượt qua hoàn cảnh. Có rất nhiều lý do để viện cớ cho việc phụ nữ bị bạo hành thường cố chịu đựng. Đó có thể là do họ không muốn nhận điều tiếng, vì muốn giữ thể diện cho chồng, cho bản thân, hay vì lo sợ bố mẹ ruột biết, sợ ly dị sẽ tội nghiệp con cái,… Rất nhiều rào cản khiến họ dù căm phẫn nhưng vẫn chấp nhận dung thứ cho những hành động vũ phu của chồng.

Bên cạnh đó là những câu chuyện về những người gây ra  bạo lực – thường lại chính là chồng của các nạn nhân. Họ tìm cách để trấn áp tinh thần đội ngũ những người làm công tác xã hội bằng những thách thức, đe doạ và đổ lỗi cho nơi tạm lánh là lý do phá vỡ và chia rẽ tổ ấm gia đình mình.  Rất nhiều lần Trung tâm đã phải nhờ lực lượng an ninh chuyên nghiệp vào cuộc để giải cứu khỏi những vụ tấn công của những kẻ gây bạo lực, với mục đích muốn kéo những phụ nữ “của họ” về lại cuộc sống trước kia. Vì lý do công việc của những nhân viên công tác xã hội ở đây đòi hỏi họ phải đối mặt với những nguy hiểm thường trực, rất nhiều người đã nghỉ việc. Thậm chí, các nhân viên ở đây (đa số là phụ nữ) cũng thường xuyên phải trải qua những liệu trình để giúp họ vượt qua những“sang chấn” tâm lý đến từ những câu chuyện mà họ đã tham vấn lắng nghe.

Trước đây, chúng tôi từng nghĩ rằng bạo lực gia đình chỉ xuất hiện ở những gia đình có dân trí thấp, nhưng thực tế của những nạn nhân đã phản ánh một điều khác. Bạo lực gia đình không phải chỉ xuất hiện ở những nơi thiếu thông tin và kiến thức , mà tệ nạn này có ở mọi tầng lớp, từ những gia đình trí thức, thậm chí có người là tiến sĩ, giảng viên, giáo viên, giữ chức vụ cao, kinh doanh phát đạt cho tới những người làm việc tự do và nông dân.

Chính những trường hợp, những nỗ lực bền bỉ và những thông điệp ý nghĩa Trung tâm mang lại đã tạo nên những thay đổi tích cực cho chính phủ, xã hội Việt Nam. Luật phòng chống bạo lực gia đình đã ra đời năm 2007, sau đó là nhiều đạo luật bảo vệ phụ nữ khác. Thay đổi này còn diễn ra rõ nét hơn ở nhóm phụ nữ trẻ tuổi, họ không còn sống cam chịu mà mạnh mẽ hơn rất nhiều trong việc đấu tranh chống bạo lực, tự tin hơn, tự chủ hơn trong đời sống hôn nhân.

“Một điều nhịn – Chín điều lành”

Trước khi trở về văn phòng làm việc, thay mặt cho Viện FNF Việt Nam, chúng tôi đã gửi những lời động viên tới quản gia, những nhân viên xã hội có “trái tim sắt” và tinh thần vững vàng đã đồng hành xuyên suốt hành trình tạm lánh cùng những nạn nhân. Chúng tôi trao những món quà, trong lòng vẫn còn bồi hồi vẹn nguyên những cảm xúc khi nghe những câu chuyện, tình tiết ‘nghẹt thở’.

Để chung tay góp phần nâng cao năng lực và trao quyền cho phụ nữ, trong đó có những người đã và đang hưởng lợi từ dự án “Ngôi nhà bình yên”, trong thời gian tới, Viện FNF Việt Nam sẽ phối hợp với Trung tâm Phụ nữ và Phát triển để xây dựng chương trình tập huấn xây dựng năng lực cho nhóm phụ nữ yếu thế. Mục đích giúp họ có thu nhập và cuộc sống tốt hơn, qua đó tự chủ trong cuộc sống và tự bảo vệ mình trước vấn nạn bạo lực gia đình và buôn bán phụ nữ.

Lời cuối, người phụ nữ Việt Nam thường được dặn dò bằng một câu nói dân gian “Một điều nhịn, chín điều lành”, trong đó có ý “nhường nhịn chịu thiệt về mình để nhận lại những điều tốt lành cho bản thân và những người xung quanh mình”. Tuy nhiên có lẽ trong xã hội hiện đại và trong bối cảnh bạo lực gia đình, ý hiểu này đã không còn phù hợp nữa. Những người phụ nữ hãy biết đấu tranh cho chính bản thân mình. Luôn có những tổ chức, những bàn tay sẵn sàng đưa ra giúp đỡ những người phụ nữ trong quá trình tìm sự bình yên trong tim mình!

*Ghi chú: Bài viết đã được dịch sang tiếng Đức và đăng tải trên chuyên trang Freiheit.org của Friedrich Naumann Foundation for Freedom theo đường dẫn: https://www.freiheit.org/vietnam-zwei-drittel-aller-frauen-wurden-opfer…

Dưới đây là chùm hình ảnh ghi lại trong chuyến thăm "Ngôi nhà Bình Yên" của các thành viên FNF Việt Nam. Ảnh được chụp tại Phòng tham vấn - Trung tâm Phụ nữ và Phát triển; Peace Shops - Hai cửa hàng bán đồ lưu niệm và đồ nông sản để làm nơi hỗ trợ kinh doanh cho các phụ nữ tại Ngôi nhà Bình Yên; và tại phòng khách của một trong hai Ngôi nhà Bình Yên tại Hà Nội.